Blogging for Business 7: Content promotion là gì?

Ưu đãi tài khoản premium miễn phí/giá rẻ

Trong bài này, chúng ta sẽ tìm hiểu về các chiến lược quảng bá content và cách để bài viết được xếp hạng cao trên Google. Dưới đây là nội dung chính của bài viết này:

Các bài viết khác trong loạt bài Blogging for Business

Bốn lỗi phổ biến trong quảng bá nội dung

Để bắt đầu, chúng ta hãy cùng nhau trả lời câu hỏi: Bạn nghĩ mục tiêu của việc quảng bá nội dung, bài viết là gì? Tôi đã hỏi câu hỏi này với khá nhiều người và nhận được một câu trả lời phổ biến:

Mục tiêu của việc quảng bá nội dung là tăng lượng traffic cho bài viết mới, càng nhiều càng tốt. Mục tiêu phụ là vượt qua kỷ lục của các bài viết đã xuất bản.

Điều này nghe rất hợp lý, phù hợp với mục đích phát triển các trang Blog kinh doanh. Nhưng, không hẳn!

Câu trả lời trên cho thấy hầu hết các bloggers tập trung vào quảng bá nội dung và tăng traffic ngắn hạn. Tập trung vào các mục tiêu ngắn hạn như vậy nghĩa là bạn đang tập trung vào những cú “chạm đỉnh” (xem thêm về chiến lược tăng traffic ở các bài viết trước), lượng traffic này sẽ mất đi ngay sau khi các chiến dịch quảng bá kết thúc. Nếu bạn muốn trang Blog phát triển, bạn nên tập trung vào việc tạo ra traffic thụ động và lượng traffic này (nên) tăng dần theo thời gian để đẩy bài viết đạt thứ hạng cao trên trang kết quả tìm kiếm của Google

Content promotion là gì
Organic traffic tăng theo thời gian

Chúng tôi đã thực hiện một nghiên cứu để trả lời câu hỏi: “How long does it take to rank in Google?” trên hơn 2 triệu bài viết mới được xuất bản.

Theo nghiên cứu này, chỉ có 5.7% trong tổng số 2 triệu bài viết được xếp hạng trên Google trong vòng 1 năm. Được xếp hạng trên Google ở đây nghĩa là nằm trong top 10 tìm kiếm cho bất cứ từ khóa nào, dù đó không phải từ khóa chính được chọn.

Từ đó ta thấy có đến 94.3% các bài viết được xuất bản không thể xuất hiện trên trang kết quả tìm kiếm và do đó, không có traffic từ Google. Bạn nghĩ nguyên nhân là do đâu? Theo tôi, việc này xảy ra do đa số mọi người chỉ xuất bản bài viết và đợi để bài viết tự được xếp hạng mà không làm gì thêm, và tất nhiên điều này rất khó xảy ra.

Tổng hợp các chiến lược content promotion tốt nhất cho Blog
Chỉ 5.7% trong 2 triệu bài viết được xếp hạng trên Google trong vòng 1 năm.

Trong chương trước chúng ta đã biết rằng website của bạn sẽ không thể xếp hạng cao trên Google nếu không có backlink. Vậy ta có thể kết luận rằng mục tiêu chính của việc quảng bá nội dung nên là xây dựng các backlink thay vì tăng traffic ngắn hạn.

Đến đây, có lẽ bạn đã nhận ra có điều gì đó không đúng lắm phải không? Ở bài số 6, tôi có nói về cách để có backlink tự nhiên từ việc tăng traffic. Lượng traffic càng cao thì càng nhiều người tiếp cận được bài viết đó, và khả năng ai đó thích bài viết của bạn và đặt link tới bài viết của bạn trên trang web của họ càng cao.

Vì vậy, tăng traffic = tăng backlink? Điều này đúng, nhưng chỉ đúng với các trang Blog lớn và có lượng theo dõi cao thay vì các trang web mới và nhỏ. Đây là 3 lý do tại sao:

  1. Không phải tất cả người đọc đều link tới bài viết của bạn. Có được 1 backlink từ 1000 lượt truy cập đã là một kết quả không tệ. Vì vậy, nếu bạn muốn có 10 backlink tự nhiên, trước hết bạn phải có 10000 lượt truy cập. Với đa số các trang Blog nhỏ, điều này là không hề dễ dàng.
  2. Mọi người thường có xu hướng link đến các website nổi tiếng mà họ tin tưởng. Đó là lý do tại sao Wikipedia có lượng backlink khổng lồ và các bài viết của họ cực kỳ khó để bị đánh bật khỏi top tìm kiếm. Hầu hết mọi người đều thích link đến Wikipedia hơn là một trang web lạ và không có tiếng tăm vì sự bảo đảm chất lượng thông tin. Đây cũng là lý do các trang Blog mới đều phải vật lộn để có được backlink tự nhiên.
  3. Hầu hết mọi người đều không sở hữu một website để đặt link liên kết. Ví dụ bạn làm về dịch vụ chăm sóc sắc đẹp tại nhà, thì khả năng khách hàng của bạn có một trang web để link đến trang của bạn là rất thấp.

Vì vậy, việc có được backlink tự nhiên từ traffic chỉ phù hợp cho những trang web lớn, có danh tiếng nhất định, ngoài ra còn phụ thuộc vào lĩnh vực mà bạn đang làm. Nếu bạn chỉ sở hữu một trang Blog nhỏ và có một vòng tròn độc giả cũng nhỏ, tôi e rằng bạn sẽ phải chủ động xây dựng backlink cho mình thay vì chờ đợi bài viết tự lên top. 

Lỗi 2: Không làm các chiến dịch quảng bá “đến nơi đến chốn”

Chúng ta thường có xu hướng từ bỏ các chiến dịch quảng bá quá sớm thay vì tập trung vào tạo traffic dài hạn. Hầu hết các bloggers đều có một list “content promotion checklist” hay “SEO checklist” với hàng loạt các đầu việc cần làm để quảng bá các bài viết mới xuất bản. Checklist đó sẽ có kiểu như thế này:

  • Gửi thông báo đến danh sách email đăng ký
  • Đăng bài trên các trang mạng xã hội: Facebook, Twitter, LinkedIn, Pinterest,…
  • Đăng lên các trang diễn đàn, các cộng đồng mạng quan tâm
  • Gửi bài viết đến tất cả những người được nhắc đến trong bài viết

Danh sách này có thể dài hoặc ngắn hơn tùy từng người, nhưng có một điểm chung là: sau khi hoàn thành và đánh dấu tích cho tất cả các gạch đầu dòng, họ sẽ quên luôn bài viết và chuyển sang bài khác. Đây là một lỗi lớn, bạn không thể ngừng quảng bá cho bài viết chỉ vì đã thực hiện một lượt các đầu việc, dù cái list của bạn có dài ngoằng đi chăng nữa. Mục tiêu của bạn là đẩy bài viết lên top đầu trang tìm kiếm, vì vậy bạn không nên dừng các chiến dịch quảng bá trước khi đạt được mục tiêu đó

Có một lời khuyên khá phổ biến mà có lẽ bạn đã biết: Hãy dành 20% thời gian và công sức của bạn để tạo ra content và 80% để quảng bá cho nó! Con số này chỉ việc quảng bá content là cực kỳ trong trọng. Nhưng với cách diễn đạt như vậy sẽ rất dễ gây ra hiểu lầm cho người đọc, nên tôi đã tự sáng tạo ra một phiên bản khác: quy luật 110/110.

Có nghĩa là bạn hãy đi xa hơn trong cả 2 việc, tạo ra content cực kỳ xuất sắc mà độc giả sẽ thích và dành hết sức lực để quảng bá nó cho đến khi đạt được thứ hạng cao trên Google. Bạn có thể tìm trên Google được rất nhiều ý tưởng hay ho để làm dài hơn content promotion checklist của mình. Đây là một số gợi ý của tôi:

  • Đăng bài viết lên các nhóm trên Facebook, LinkedIn, Google+
  • Giới thiệu trên các kênh Slack
  • Chuyển content thành các dạng khác: video, audio, slide, ảnh,…; đăng lên các nền tảng uy tín và link đến bài viết gốc
  • Outreach: Kết nối với những người từng link đến các bài viết khác cùng chủ đề
  • Outreach: Kết nối đến những người đã xuất các bài viết nhắc đến đề tài này
  • Viết các bài viết khách (guest post) và nhắc đến bài viết của bạn

Hầu hết các gạch đầu dòng trên checklist của bạn chỉ có thể được dùng một lần, nhưng có một số có thể được lặp lại nhiều lần, ví dụ như việc viết các bài viết khách và outreach. Đây là 2 cách hay để có được backlink chất lượng, chúng ta sẽ nói nhiều hơn về cả hai cách này ở phần sau.

Lỗi 3: Bỏ mặc các bài viết cũ đã xuất bản

Ví dụ, năm ngoái bạn xuất bản một bài viết chất lượng và thực hiện các chiến dịch quảng bá liên tục đến khi bài viết có lượng backlink tương đối và nằm trong top 5 trên trang kết quả tìm kiếm cho từ khóa chính.

Đó là một kết quả rất tốt, vì vậy bạn quyết định bạn đã hoàn thành công việc của mình với bài viết đó và chuyển sang làm những bài viết mới. Nghe cũng ổn nhỉ?

Tôi thì không nghĩ bạn nên dừng lại ở bất kỳ thứ hạng nào, trừ top 1. Nếu bài viết đem đến cho bạn khách hàng và doanh thu thì cái chúng ta cần là càng nhiều traffic càng tốt!

Bên cạnh đó nếu từ khóa mục tiêu mang lại giá trị kinh doanh cao, các đối thủ của bạn không sớm thì muộn sẽ đẩy bạn xuống dưới. 

Nói cách khác, bỏ mặc các bài viết cũ là một sự lựa chọn tồi. Nhưng bạn cũng không thể cứ quảng bá một nội dung giống nhau theo một cách giống nhau hết lần này đến lần khác.

Vậy chúng ta có thể làm gì để tránh làm phiền người đọc mà vẫn quảng bá được các bài viết cũ? Một vài tháng sau khi xuất bản bài viết , bạn có thể review lại bài viết và và tìm cách làm cho bài viết trở lên tốt hơn (lời người dịch: ý tác giả có lẽ là bổ sung, cập nhật cho bài viết đầy đủ hơn, chi tiết hơn, hữu ích hơn..).

Sau khi đã cải thiện bài viết, bạn có thể tái quảng bá nó như một nội dung mới. Lời khuyên của tôi là hãy dùng một nửa thời gian của bạn để tạo ra các bài viết mới, nửa còn lại là để xem xét và update các nội dung cũ. Tôi có ba lý do cho việc này:

  1. Nếu bài viết thực sự mang đến khách hàng cho bạn, hãy chắc chắn bài viết cũng mang đến cho khách hàng những thông tin cập nhật và hữu ích. Việc để các thông tin lỗi thời trên bài viết gây khó chịu cho độc giả và làm giảm trải nghiệm người đọc.
  2. Việc update bài viết thường xuyên luôn được Google đánh giá tích cực và góp phần nâng cao thứ hạng cho bài viết.
  3. Cải thiện hoặc thậm chí viết lại bài viết để tiếp tục thực hiện các chiến dịch quảng bá và tăng xếp hạng trên Google.

Với mỗi lần update như thế, khi gửi email thông báo cho đọc giả, đừng quên lưu ý họ rằng đây không hoàn toàn là một bài viết mới mà chỉ là một phiên bản cập nhật và tốt hơn. Nếu thấy cần thiết, đôc giả sẽ tìm hiểu thêm, còn nếu không, họ sẽ không bị mất thời gian hoặc khó chịu vì không được nhắc nhở trước.

Đây là ví dụ về một bài viết của Ahrefs khi chúng tôi thực hiện update và tái quảng bá lần thứ hai. Bạn có thể thấy ở các lần update lượng traffic tăng vọt không chỉ ở lần “chạm đỉnh” mà traffic thụ động cũng tăng gấp nhiều lần. 

Tổng hợp các chiến lược content promotion tốt nhất cho Blog
Traffic thụ động tăng gấp nhiều lần

Lỗi 4: Không dành ngân sách cho quảng cáo

Quảng cáo là cách để bạn tiếp cận được lượng khách hàng tiềm năng khổng lồ mà có lẽ là xa xỉ với các phương pháp Marketing 0 đồng. Nhưng mỗi khi tôi nhắc đến quảng cáo, hầu hết các Bloggers đều tỏ vẻ họ không thể trích ra ngân sách cho quảng cáo. Trong tâm lý học, điều này gọi là Limiting Belief hay niềm tin kiềm hãm. Sự thực là, bạn hoàn toàn có khả năng chi tiền cho quảng cáo, nhưng bạn luôn không muốn nghĩ đến nó ngay từ đầu. Tôi sẽ minh họa rõ hơn với hai luận điểm sau:

  • Các phương pháp quảng bá Content Marketing miễn phí thực tế lại không hề miễn phí. Bạn tốn bao nhiêu thời gian để thực hiện hết checklist về các phương pháp marketing 0 đồng? 1, 5 hay 10 giờ đồng hồ?

Và đừng quên thời gian của bạn cũng là tiền bạc, hãy nghĩ về chi phí & cơ hội. Thay vì dành thời gian thực hiện các chiến dịch đó và dành thêm thời gian để tính toán hiệu quả, đo lường xem bao nhiêu người đang thực sự đọc email hay họ dành bao nhiêu thời gian trên trang Blog, bạn có thể tạo ra một bài viết tuyệt vời khác.

Và đó là “chi phí” bạn bỏ ra khi lựa chọn các chiến dịch quảng bá miễn phí. Mặt khác, nếu bạn bỏ tiền cho quảng cáo, Facebook Ads chẳng hạn, Facebook sẽ thay bạn làm hầu như tất cả mọi thứ và không những thế, ROI (Return on Earning) có thể cao hơn nhiều so với các phương pháp miễn phí. Vì vậy, hãy suy nghĩ về việc thêm quảng cáo vào content promotion checklist của bạn nhé.

  • Content sẽ giúp bạn bán được sản phẩm. Bạn sẽ tiêu tiền vào quảng cáo để rồi lấy về một khoản lớn hơn dưới dạng doanh thu. Nếu bài viết thực sự có thể mang lại khách hàng cho bạn, vậy điều gì đang ngăn cản bạn tiêu tiền để quảng bá bài viết đó?

Còn nếu bài viết không thực sự đem đến doanh thu, vậy tại sao bạn lại dành thời gian để thực hiện cái checklist “các phương pháp quảng bá nội dung miễn phí”, hoặc tự hỏi tại sao bạn lại mất thời gian để xuất bản bài viết đó? Các chiến lược quảng bá nội dung mất phí còn là một phép thử hoàn hảo về giá trị kinh doanh của bài viết, để bạn có cái nhìn thực tế hơn về nội dung mình đang thực hiện.

Tóm lại, đây là 4 lỗi cơ bản trong content marketing mà nhiều người thường mắc phải:

  • Tập trung vào traffic ngắn hạn thay vì backlink
  • Không làm các chiến dịch quảng bá “đến nơi đến chốn”
  • Bỏ mặc các bài viết cũ đã xuất bản
  • Không dành ngân sách cho quảng cáo

Trong phần tiếp theo, chúng ta sẽ đi qua một lượt các chiến lượng quảng bá content marketing phổ biến và nêu ra một số điểm đặc trưng của chúng.

Tổng hợp các chiến lược content promotion tốt nhất

Tôi chắc rằng bạn đã từng nghiên cứu về chủ đề về content promotion hay quảng bá bài viết và tìm thấy rất nhiều các chiến lược, thủ thuật hay “bí kíp” trên Internet. Và đến khi bạn nghĩ bạn đã thuộc làu làu được các thủ thuật trên, thì sẽ lại có một bài viết mới nói về một chiến lược SEO tuyệt vời khác đã đem đến cho ai đó hàng nghìn lượt view. Nếu bạn đang mong chờ những điều tương tự, thì có lẽ bạn sẽ phải thất vọng bởi tôi sẽ không đề cập đến chúng tại đây.

  • Đầu tiên, không có một chiến lược nào có thể khiến một bài viết hoặc một mẩu content tồi tệ trở nên viral. Chất lượng của content sẽ là yếu tố quyết định đầu tiên. 
  • Thứ hai, nếu các bài viết của bạn chất lượng, chúng có thể tự quảng bá cho chính nó. Chúng ta đã thảo luận điều này ở các  bài viết trước.

Vì vậy, thay vì dạy bạn những thủ thuật thông thái hay “ninja killer top secret” có thể khiến trang blog nổi như cồn sau một đêm, tôi sẽ chỉ đi qua một lượt các chiến lược quảng bá content phổ biến và nêu một số điểm đặc trưng của nó.

Tổng hợp các chiến lược content promotion tốt nhất cho Blog
Các “bí thuật” trong content promotion

Hầu hết các chiến lược content promotion đều có thể chia thành 6 nhóm sau đây:

  • Tiếp cận tệp độc giả cũ
  • Tiếp cận các cộng đồng liên quan
  • Cải tạo và tái quảng bá các chiến dịch cũ
  • Guest blogging (Bài viết khách)
  • Outreach
  • Các chiến lược quảng bá trả phí

Chiến lược 1: Tiếp cận tệp độc giả cũ

Các bloggers thường tiếp cận tệp độc giả cũ của mình bằng hai cách:

  • Gửi email đến danh sách đăng ký theo dõi các bài viết mới của Blog
  • Đăng bài viết mới lên các trang mạng xã hội: Facebook, Twitter,…

Nhưng nếu bạn mới làm Blog, danh sách đăng ký Blog của bạn sẽ không có quá nhiều và các trang fanpage cũng không nhiều lượt follow. Do đó bạn không thể mong đợi có nhiều lượt traffic và backlink từ nguồn này. Vì vậy hãy bắt đầu xây dựng tập độc giả cho mình càng sớm càng tốt. Nếu bạn đầu tư thời gian và công sức xây dựng email list và tăng follow trên các trang mạng xã hội, sau này chúng sẽ trở thành vũ khí lợi hại của bạn.

Chiến lược 2: Tiếp cận các cộng đồng liên quan

Đây cũng là một đầu việc quen thuộc trong checklist của các bloggers, tiếp cận các cộng đồng liên quan bằng cách:

  • Đăng lên các trang diễn đàn, các cộng đồng mạng quan tâm
  • Trả lời câu hỏi trên Reddit, Quora hoặc các diễn đàn liên quan
  • Nhắc đến bài viết trên các kênh công khai trên Slack

Theo lý thuyết, đây là một chiến lược tuyệt vời, nhưng khi bạn bắt tay vào làm sẽ nhận ra thực tế cực kỳ khó để tận dụng nguồn tài nguyên này.

Hầu hết các cộng đồng này đều dị ứng với việc ai đó tự quảng bá thương hiệu của mình. Bạn có thể làm điều này 1,2 lần, OK. Nhưng nếu cứ lặp đi lặp lại, rất có khả năng bạn sẽ bị ban nick và cấm vĩnh viễn.

Bởi vậy thay vì tham gia hàng trăm cộng đồng khác nhau để spam thì hãy chọn lọc ra 5 đến 10 cộng đồng tốt nhất và hoạt động tích cực trong các cộng đồng hoặc diễn đàn đó. Khi quản trị viên quen mặt và biết được bạn thực sự đem lại giá trị cho cộng đồng, họ sẽ làm lơ việc bạn đang quảng bá cho các bài viết của mình. Và nếu bạn quen biết mọi người trong các nhóm cộng đồng đó, họ sẽ bắt đầu nhắc đến các bài viết của bạn trong các cuộc nói chuyện. 

Chiến lược 3: Cải tạo nội dung và tái quảng bá các chiến dịch cũ

Việc chuyển nội dung bài viết của bạn sang các định dạng khác như audio, video, slide hay hình ảnh không hề khó. Hãy bắt đầu làm điều này và đăng tải chúng lên các nền tảng như Youtube, Spotify,… Dù không ai tìm thấy các content của bạn, bạn cũng sẽ có rất nhiều backlink chất lượng khi link chúng với các bài viết gốc. Và nếu bạn viết gốc thực sự chất lượng, các định dạng khác của nó sẽ không có lý do gì để bị rơi vào lãng quên.

Hãy nhìn video này về của Ahrefs, nó đứng top 1 trên trang kết quả tìm kiếm của Youtube cho từ khóa “SEO audit”. Tính đến 03/2018, video này có hơn 600000 lượt views trong khi bài viết gốc chỉ có tổng cộng hơn 60000 lượt truy cập.

Tổng hợp các chiến lược content promotion tốt nhất cho Blog
Video về SEO Audit của Ahrefs

 

Tổng hợp các chiến lược content promotion tốt nhất cho Blog
Traffic của bài viết gốc

Và tôi cá là con số 60000 lượt truy cập kia cũng có một phần không nhỏ traffic đến từ đoạn video trên Youtube. Vậy nên hãy thử một vài dạng định dạng khác nhau cho các bài viết trên Blog của bạn và đánh giá xem định dạng nào là tốt nhất.

Chiến lược 4: Guest blogging – Bài viết khách

Đây là một trong các phương pháp tốt nhất để có được backlink chất lượng và đôi khi là traffic từ các bài viết đó. Nếu bạn gặp khó khăn trong việc xuất bản bài viết khác ở các trang web khác, bạn có thể:

  • Bắt đầu bằng cách trả lời các câu hỏi trên Quora hoặc các diễn đàn liên quan. 
  • Để lại các bình luận trên các trang Blog khác về bài viết của bạn. Hầu hết các bloggers đều ghét các bình luận đính kèm link, nhưng nếu bình luận của bạn có giá trị và bài viết được nhắc đến đủ tốt, có lẽ họ sẽ để lại bình luận. 
  • Sử dụng dịch vụ trích dẫn trên các trang báo. Có rất nhiều các trang báo cung cấp dịch vụ tương tự mà bạn có thể thử.
  • Cuối cùng, nếu bạn có được những thành tựu nhất định trong lĩnh vực của mình, bạn có thể thử tham gia làm khách mời trong các buổi phỏng vấn hoặc postcasts, đây cũng là cách hay để có thêm backlink chất lượng.

Đó là một số cách phổ biến, tôi sẽ không nói thêm nhiều ở đây vì chúng ta sẽ có một phần riêng cho Guest blogging ở phần sau. 

Chiến lược 5: Outreach

Đây có thể nói là một phần phải có trong checklist của bạn. Bạn có thể:

  • Gửi email đến bất kỳ ai được nhắc đến trong bài viết. Tuy nhiên bạn không nên yêu cầu họ đặt backlink cho bài viết của bạn hoặc nhắc đến bài viết của bạn trên mạng xã hội, hãy để họ tự quyết định sau khi đã đọc bài viết.
  • Kết nối với những người đã từng đặt backlink đến các bài viết khác cùng chủ đề với  bài viết của bạn trên trang Blog của họ
  • Kết nối với những người đã xuất bản các bài viết nhắc đến chủ đề này

Hai phương pháp bên dưới đều là hai phương pháp “quyền lực” và xứng đáng để bạn đầu tư nhiều thời gian và công sức. Vì vậy, chúng ta sẽ dành riêng chương cuối cùng của khóa học để nói về Outreach, nên tôi sẽ dừng ở đây và tiếp tục với chiến lược cuối cùng.

Chiến lược 6: Quảng cáo trả phí

Như đã nói ở trên, các chiến lược quảng bá có trả phí là điều cần thiết nếu bạn làm Blog để kinh doanh thay vì làm chỉ làm vì sở thích. Hầu như tất cả các trang mạng xã hội đều có nền tảng quảng cáo của riêng mình: Facebook ads, Twitter ads, LinkedIn ads,… Và có lẽ bạn cũng đã biết đến Google Ads.

Sử dụng dịch vụ quảng cáo của Google không chỉ giúp bạn tiếp cận được nhiều khách hàng tiềm năng mà còn giúp đẩy thứ hạng các bài viết trên trang tìm kiếm. Ngoài ra còn có rất nhiều các dịch vụ quảng cáo khác bạn có thể tìm hiểu trên Internet như: quảng cáo qua email, số điện thoại,… 

Trên đây là 6 chiến dịch content promotion phổ biến. Hi vọng qua phần này bạn sẽ có cái nhìn tổng quan và rõ ràng hơn về cách quảng bá cho các bài viết mới hoặc cũ của mình.

Làm thế nào để đánh bại các “ông lớn” trên top tìm kiếm Google?

Đây làm một chương tương đối dài và chúng ta đã đi qua kha khá nội dung. Đến với phần cuối cùng, chúng ta sẽ cùng trả lời một câu hỏi có lẽ ai cũng thắc mắc: Làm thế nào để đánh bại các “ông lớn” trên top tìm kiếm Google?

Dù bạn đang làm về lĩnh vực gì, thì có một sự thật là hầu hết các từ khóa tốt đã được một “ông lớn” nào đó chiếm đóng. Những ông lớn này thường là những website lớn được đầu tư bài bản và sự thật đáng buồn là họ tốt hơn website của bạn ở gần như mọi khía cạnh:

  • Họ có thương hiệu mạnh với sức ảnh hưởng và độ tin cậy cao
  • Họ có nguồn tài nguyên khổng lồ để tạo ra các bài viết tuyệt vời
  • Họ có lượng độc giả lớn để quảng bá các bài viết mới và thu được backlink
  • Họ có đủ tài lực cho ngân sách quảng cáo để tiếp cận nhiều độc giả tiềm năng
  • Và điều tệ nhất, họ đã và đang đứng top cho hầu hết các từ khóa tốt mà bạn muốn nhắm đến

Điều đó có nghĩa là, họ sẽ có lượng traffic thụ động tương đối lớn mỗi tháng, và có được backlink thụ động từ đó (việc đứng top tìm kiếm khiến người đọc tin tưởng và ưu ái khi họ cần link đến một bài viết cùng chủ đề). Cuối cùng, lượng backlink đó lại khiến họ đứng vững trên top 1.

Tổng hợp các chiến lược content promotion tốt nhất cho Blog
Vòng tròn SEO gây ám ảnh

Đây là có lẽ vòng tròn gây ám ảnh, giống như The ring vậy (nếu bạn chưa biết thì nó là một tựa phim kinh dị). Để rõ hơn, hãy thử nhập bất cứ bài viết nào nằm trong top 3 tìm kiếm vào Ahrefs, như tôi đang làm với bài viết The Beginner’s Guide to SEO của Moz:

Tổng hợp các chiến lược content promotion tốt nhất cho Blog
Nghiên cứu bài viết với Ahrefs Site Explorer

Trong phần Referring Domains, bạn có thể thấy họ có lượng backlink tăng dần theo thời gian, và tôi cá là họ không hề chủ động quảng bá bài viết thường xuyên để có được lượng backlink này. Sau khi đã đứng trên top tìm kiếm, bài viết có được lượng truy cập ổn định hàng tháng và các độc giả sẽ tự đặt backlink đến bài viết nếu bài viết đó hữu ích với họ. Nếu bạn để ý sẽ thấy độ dốc của đồ thị khá lớn, vì vậy nếu bạn có một bài viết về SEO cho người mới bắt đầu và muốn đẩy họ xuống bằng cách xây dựng backlink thủ công, thì đó chỉ đơn giản là mộng tưởng.

Vậy làm cách nào để bạn phá vỡ vòng tròn này và đánh bại các “ông lớn” trên top tìm kiếm? 

Tôi e là không có cách nào để làm được điều đó, trừ khi bạn có một lượng lớn content chất lượng hơn hẳn và có đủ tài nguyên để tiếp cận với một lượng độc giả khổng lồ. Đây là cách duy nhất để bạn có được lượng backlink đủ lớn trong một khoảng thời gian ngắn. Vì vậy lời khuyên của tôi là đừng theo đuổi các từ khóa “lớn” trừ khi bạn đã xây dựng được tập độc giả đáng kể và tích lũy đủ tài nguyên để chiến đấu với những “ông lớn” đang đứng ở vị trí đầu tiên.

Mặt khác, bạn cũng không có lý do gì để tập trung vào các từ khóa với độ khó cao như vậy khi chúng ta hoàn toàn có thể tìm thấy các từ khóa tiềm năng dễ dàng theo đuổi hơn nhiều.

Trong các bài viết trước tôi đã chia sẻ rất nhiều các tips tìm ra những từ khóa ít cạnh tranh mà vẫn đem lại giá trị kinh doanh cao. Điều duy nhất bạn cần làm là tập trung vào những từ khóa đó và chủ động xây dựng backlink cho nó để đẩy bài viết lên cao. Và đó cũng là nội dung chính của chương tiếp theo: cách xây dựng backlink qua Guest Blogging.

Bài 8: Cách xây dựng backlink cực chất lượng cho blog với Ahrefs

Sally Nguyen

Đánh giá bài viết
Content Protection by DMCA.com

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
ChiasePremium

Blog chia sẻ Kiến thức công nghệ và Trải nghiệm tài nguyên số. Hướng dẫn đăng ký và Hỗ trợ sử dụng các loại Tài khoản Premium.

Share via
Copy link