Phần mềm thay thế Adobe Illustrator
Khi đề cập đến những phần mềm thiết kế chuyên nghiệp phải kể đến Adobe Photoshop, Adobe Illustrator… Khi theo học chuyên ngành thiết kế đồ họa thì bạn sẽ được học chi tiết về những phần mềm này. Nếu không, bạn sẽ cần học những khóa ngắn hạn và dành thời gian thực hành mỗi ngày để sử dụng thành thạo.
Vậy có phần mềm nào với tính năng tương tự nhưng dễ dùng hơn không? Câu trả lời chính là Affinity Designer và Affinity Photo.
Sau một thời gian trải nghiệm và sử dụng thường xuyên, mình đảm bảo với bạn rằng, bạn sẽ không thất vọng với bộ 2 phần mềm này của hãng Affinity: đầy đủ tính năng chuyên nghiệp, chạy ổn định trên cả Windows và Mac, rất phù hợp với cấu hình các máy tính văn phòng.
Trong bài viết này mình xin chia sẻ với các bạn những tính năng tuyệt vời của Affinity Designer, bao gồm hướng dẫn sử dụng những công cụ chính và so sánh với Illustrator.
Xem thêm: Adobe Creative Cloud Express review: tốt như Canva và có thể hơn?
Affinity là gì?
Affinity bao gồm Affinity Designer,Affinity Photo và Affinity Publisher. Đây là bộ 3 phần mềm đối thủ trực tiếp của Adobe trong lĩnh vực đồ họa.
Affinity Designer được ra mắt từ năm 2017, sở hữu nhiều tính năng cạnh tranh và nếu bạn đang tìm một phần mềm tích hợp tính năng của Photoshop và Illustrator, bạn có thể lựa chọn Affinity Designer.
Những bạn đang làm trong ngành Marketing truyền thông, hoặc là chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ… thường sẽ sử dụng loại máy tính dành cho dân văn phòng. Do đó, nếu sử dụng thêm phần mềm thiết kế như Photoshop thì máy sẽ không chạy nổi. Nhờ ra mắt sau nên Affinity Designer sở hữu bộ code mới hơn nên vẫn có thể hoạt động mượt mà trên những máy tính có cấu hình không cao (Ram từ 2GB vẫn có thể chạy được bạn nhé).
Đặc biệt, Affinity Designer có thể mở và làm việc với cả file PSD của Photoshop và file ESP của Illustrator nên rất tiện lợi.
(Không nên so sánh Affinity Designer với những phần mềm thiết kế online như Canva, Crello, DesignBold… Vì những phần mềm thiết kế online dành cho những bạn không biết sử dụng phần mềm thiết kế chuyên nghiệp hoặc đang cần tạo thiết kế nhanh bằng những mẫu template sẵn có trong vài phút).
Xem thêm: Review InVideo.io – tạo video chuyên nghiệp chỉ trong 5 phút
Tự học sử dụng Affinity Designer
Mặc dù Photoshop hay Illustrator là phần mềm thiết kế rất nổi tiếng, nhưng những tính năng thường ẩn sâu ở trong thanh menu nên bạn muốn tự học tự mày mò cũng không dễ. Thông thường khi sử dụng những phần mềm thiết kế chuyên nghiệp designer vừa dùng chuột phải để click và vừa dùng tay trái bấm tổ hợp phím, rất ít người bấm click chọn từng tính năng bằng chuột vì mất nhiều thời gian.
Ngay tại website của Affinity có rất nhiều bài hướng dẫn, mỗi bài hướng dẫn được quay lại thành video để bạn dễ dàng xem và thực hành theo. Nếu không thể nghe tiếng Anh thì bạn cố gắng theo dõi chi tiết từng bảng làm việc trong video.
– Link học những bài hướng dẫn trực tiếp từ Affinity – Affinity Designer tutorial: https://affinity.serif.com/en-us/tutorials/designer/ipad/
– Kênh Youtube của Affinity Designer: https://www.youtube.com/c/AffinityDesignerOfficial/
– Ngoài ra Affinity còn có hướng dẫn dành riêng cho những bạn sử dụng Ipad Pro: https://affinity.serif.com/en-us/tutorials/designer/ipad/
Nếu muốn học Affinity Designer theo từng công cụ trong giao diện thì hãy xem phần hướng dẫn tiếp theo của mình nhé.
Xem thêm: [Review] Magisto Pro: ứng dụng website chỉnh sửa video online
Hướng dẫn sử dụng Affinity Designer
Nếu bạn đã thành thạo các công cụ trong Photoshop thì khi chuyển qua sử dụng Affinity sẽ rất thuận tiện, vì giao diện, các phím tắt và tính năng khá tương đồng với Photoshop và Illustrator.
Move Tool (V)
Công cụ này dùng để chọn các đối tượng trong bản thiết kế, sau đó bạn có thể di chuyển, căn chỉnh hàng (align), thay đổi kích thước, xoay chiều…
Artboard Tool
Đây là tính năng khá thú vị cho phép bạn làm việc với nhiều bản vẽ khác nhau, nhưng tất cả những bản vẽ/ artboard này đều nằm chung trên một thiết kế. Bạn có thể tạo ra artboard mới, di chuyển hoặc thay đổi kích thước.
Node Tool (A)
Dùng Node Tool để chỉnh sửa các hình dạng hiện có bằng cách điều chỉnh các nút, gồm có Node Tool và Point Transform Tool. Bạn sử dụng Point Transform Tool để thay đổi kích thước hình tròn bằng cách điều chỉnh bán kính.
Corner Tool (C)
Khi bạn cần bo góc cho bất kỳ hình ảnh nào thì hãy sử dụng Corner Tool.
Contour Tool (O)
Contour Tool sẽ giúp bạn tạo ra bản sao của object bạn vừa tạo ra. Đây là tính năng khá hay để bạn sáng tạo với con chữ và hình ảnh mà không tốn nhiều thời gian. Một vài ví dụ gợi ý từ Affinity Designer mà bạn có thể thực hành theo. Ví dụ với Contour Tool: https://www.youtube.com/watch?v=VdaRB3mQfCk
Hình ảnh mình tự vẽ đám mây với Pencil Tool và sau đó sử dụng Contour Tool.
Pen Tool (P)
Bạn sử dụng công cụ Pen Tool để vẽ chi tiết các đường cong và hình ảnh. Pen Tool có 4 chế độ gồm Pen Mode, Smart Mode, Polygon Mode, Line Mode. Từng chế độ sẽ cho ra các hình ảnh khác nhau.
Pencil Tool (N)
Khi muốn tạo ra hình ảnh/ bản vẽ bằng cách vẽ tự do, bạn sử dụng Pencil Tool. Bạn có thể tùy chỉnh độ dày/ mỏng của nét bút trong phần Width hoặc màu sắc trong phần Stroke phía trên thanh menu. Sau khi vẽ xong thì hình ảnh sẽ hiển thị nhiều nút điểm kết hợp lại, bạn chỉnh sửa kết hợp từng nút điểm với Node Tool.
Vector Brush Tool (B)
Vector Brush Tool cũng giúp tạo ra hình ảnh được vẽ tự do, bạn cũng có thể điều chỉnh độ đậm – nhạt hoặc dày – mỏng của đường vẽ. Điểm khác biệt so với Pencil Tool là sau khi vẽ bằng Vector Brush Tool thì hình ảnh sẽ không hiển thị những nút điểm để bạn điều chỉnh.
Fill Tool (G)
Tính năng này cho phép bạn đổ màu lên vật thể/ hình ảnh bạn vừa tạo ra. Bạn lựa chọn và điều chỉnh màu sắc trong phần hình tròn và hình tam giác. Phần hình tròn để bạn lựa tone màu chính và phần tam giác để bạn chọn độ đậm nhạt. Bạn cũng có thể chọn lựa mức Opacity phù hợp ngay trong bảng này.
Ngoài việc chọn màu Color thì Affinity còn có 3 bảng khác là Swatches/ Stroke/ Brushes để bạn thỏa sức sáng tạo.
Transparency Tool (Y)
Transparency Tool giúp bạn điều chỉnh độ trong suốt đối với 1 phần hoặc toàn bộ hình ảnh. Trong phần Type sẽ có 5 loại để bạn lựa chọn là None, Linear, Elliptical, Radial, Conial.
Place Image Tool
Khi cần thêm (Insert) hình ảnh nào từ máy tính vào thì bạn dùng tính năng Place Image Tool. Thông thường đối với Photoshop bạn cần mở cả 2 file (file thiết kế và file hình), sau đó Duplicate Layer từ file hình ảnh và chọn đích đến là file thiết kế, như vậy sẽ mất thời gian hơn so với khi sử dụng Place Image Tool của Affinity.
Vector Crop Tool
Sử dụng Vector Crop Tool để cắt một phần hình ảnh hoặc xóa bỏ các phần của một đối tượng.
Rectangle Tool (M)
Rectangle Tool giúp bạn vẽ nhanh chóng các shape hình chữ nhật và hình vuông.
Ellipse Tool (M)
Ellipse Tool dùng để vẽ hình tròn và hình elip.
Rounded Rectangle Tool (M)
Khi muốn vẽ hình chữ nhật hoặc hình vuông được bo góc, bạn sẽ chọn Rounded Rectangle Tool thay vì Rectangle Tool.
Triangle Tool
Triangle Tool bao gồm một danh sách các hình vẽ khác nhau với những shape có sẵn từ gốc hình tam giác. Sau khi chọn shape bạn muốn và vẽ (hình ví dụ bên trái), bạn có thể điều chỉnh thêm trong phần Curve, Tail Position và Bend để ra hình bạn thích.
Artistic Text Tool (T)
Có 2 dạng để bạn lựa chọn là Artistic Text Tool và Frame Text Tool. Artistic sẽ phù hợp với từ đơn, dòng chữ ngắn, headline, slogan… để nhấn mạnh hoặc làm nổi bật dòng chữ. Frame thì sẽ phù hợp với dạng nhiều chữ, chẳng hạn như đoạn văn.
Khi edit chữ thì hộp thoại Character sẽ xuất hiện với những tính năng edit chữ nâng cao. Bạn có thể chọn từng định dạng riêng cho chữ, câu văn, đoạn văn hoặc cho cả văn bản.
Color Picker Tool (I)
Color Picker Tool thường được gọi là “cây hút màu” để bạn có thể lấy mẫu màu từ bất kỳ hình ảnh nào bạn cần. Ví dụ dưới đây mình đã lấy mẫu màu từ đậu co ve, tấm thớt, và miếng phile cá. Trong bảng Swatches cũng sẽ lưu lại những mẫu màu mà bạn đã sử dụng Color Picker Tool để hút màu gần đây.
View Tool (H)
Sử dụng View Tool để di chuyển và xem những phần khác nhau của hình ảnh/ bản thiết kế.
Zoom Tool (Z)
Zoom Tool giúp phóng to hoặc thu nhỏ hình ảnh/ bản thiết kế.
Align – Căn chỉnh hàng
Tính năng này cho phép bạn canh chỉnh vị trí của hai hay nhiều đối tượng khác nhau. Align là tính năng riêng biệt, luôn hiển trị ở phía trên của thanh menu để bạn có thể sử dụng mọi lúc, tiện hơn so với Photoshop. Đối với Photoshop, nếu bạn muốn sử dụng tính năng Align thì đầu tiên bạn cần click chọn Move Tool (V) rồi mới có thể sử dụng tiếp chức năng Align.
Defaults
Đồng bộ hóa hoặc quay về mặc định (tương đương Ctrl Z.
Effects Panel
Lựa chọn hiệu ứng khác nhau cho đối tượng:
- Fill Opacity: Thay đổi độ đậm nhạt của background hoặc của stroke.
- Gaussian Blur: Hiệu ứng làm mờ.
- Outer Shadow: Hiệu ứng đổ bóng phía ngoài.
- Inner Shadow: Hiệu ứng đổ bóng phía trong.
- Outer Glow: Hiệu ứng phát màu sáng phía bên ngoài.
- Inner Glow: Hiệu ứng phát màu sáng phía bên trong.
- Outline: Hiệu ứng đường viền phía bên ngoài.
- 3D: Hiệu ứng dạng 3D.
- Bevel/Emboss: Kết hợp hiệu ứng nổi và đổ bóng.
- Colour Overlay: Fill 1 màu cho đối tượng được chọn.
- Gradient Overlay: Fill màu dạng hòa trộn.
Affinity Designer vs Adobe Illustrator
Cả Affinity Designer và Adobe Illustrator đều có những ưu điểm và nhược điểm khác nhau. Vì Adobe Illustrator được ra mắt cách đây hơn 30 năm, nên đã trở thành tiêu chuẩn trong ngành đồ họa về vector. Illustrator có những đối thủ cạnh tranh xứng tầm chẳng hạn như CorelDraw hoặc Sketch.
Mặc dù CorelDraw và Sketch vẫn chưa hạ gục được nhà vô địch Illustrator, tuy nhiên hai phần mềm này cũng có riêng cho mình lượng người dùng ổn định. Affinity Designer tuy ra mắt sau nhưng đã tạo nên làn sóng mới và rất thu hút người dùng bởi mức giá tốt hơn và có tính năng tương tự Illustrator.
Do đó phần này mình sẽ so sánh tổng quan về giao diện, công cụ/ tính năng, khả năng tương thích, hướng dẫn (tutorials) giữa Affinity Designer và Adobe Illustrator.
Giao diện
Cả Affinity Designer và Adobe Illustrator đều có giao diện khá phức tạp vì thanh menu chứa nhiều tính năng. Có một ưu điểm nhỏ của Affinity nhưng đã giúp phần mềm này nhỉnh hơn Illustrator một chút về phần giao diện, chính là các công cụ và menu của Affinity Designer có màu sắc. Nhờ điều này mà bạn dễ dàng tìm kiếm tính năng bạn cần khi thiết kế.
Công cụ/ tính năng
Nếu như bạn chuyển từ Illustrator sang sử dụng Affinity Designer chắc chắn bạn sẽ cảm thấy một vài tính năng bị thiếu. Có thể nói Illustrator là nhà vô địch trong phần này, đặc biệt là phần Shape (hình dạng). Illustrator sẽ giúp bạn tạo ra những hình ảnh phức tạp từ những hình ảnh đơn giản. Dù Affinity Designer có được thêm vào những tính năng mới thì dường như cũng bị chậm hơn một bước so với Illustrator.
Khả năng tương thích
Cả hai phần mềm đều có thể sử dụng trên cả hệ điều hành Windows và MacOS. Một khía cạnh khác về khả năng tương thích chính là khả năng hỗ trợ các loại tệp. Affinity Designer và Adobe Illustrator đều có thể mở và làm việc với nhiều tệp khác nhau, đồng thời xuất file với nhiều định dạng, nên ở phần này cả hai đều ngang sức.
Đặc biệt là Affinity Designer có thể mở định dạng tệp AI của Illustrator, nhưng các loại tệp của Affinity không hoạt động trong Illustrator hoặc trong những phần mềm khác. Illustrator cũng hỗ trợ mở các tệp từ CorelDRAW và lưu các tệp AutoCAD.
Hướng dẫn (Tutorials)
Nếu như bạn không quen sử dụng những phần mềm thiết kế dạng vector thì sẽ rất khó lựa chọn nên bắt đầu sử dụng Adobe Illustrator hay Affinity Designer. Để lựa chọn phần mềm phù hợp với bạn, đầu tiên bạn nên đọc và xem qua những hướng dẫn (tutorials) từ website.
Vì Illustrator ra mắt trước nên kho tài liệu của Illustrator rất phong phú, đa dạng các bài hướng dẫn để bạn tìm hiểu và thực hành theo. Ngoài ra, bạn cũng dễ dàng tìm được những bài học/ khóa học hướng dẫn sử dụng từ nhiều website, Youtube, và nhiều nguồn khác nhau.
Serif (nhà sáng lập Affinity Designer) cũng cung cấp những hướng dẫn riêng và cũng tạo ra được cộng đồng Affinity Designer, đương nhiên là số lượng vẫn không bằng Illustrator.
Ưu điểm của Affinity Designer chính là các tính năng không bị gói gọn trong bất kỳ menu hoặc tính năng nào như Illustrator, do đó nếu bắt đầu với Affinity Designer bạn sẽ cảm thấy dễ thở hơn.
Đăng ký mua Affinity Designer/Affinity Photo
Thông qua bài review này, các bạn đã biết thêm một phần mềm đồ họa Affinity Designer có tính năng tương đương với Photoshop và Illustrator. Đặc biệt nếu bạn nào sử dụng Ipad Pro thường xuyên và đang tìm kiếm cho mình phần mềm thiết kế phù hợp với Ipad Pro thì có lẽ Affinity Designer là lựa chọn hàng đầu.
Đăng ký, download Affinity V2 miễn phí 6 tháng
Cập nhật ngày 9/7/2024: Affinity đang có chương trình miễn phí trải nghiệm full mọi tính năng của bộ công cụ phần mềm thiết kế đồ họa (thay thế bộ Adobe với khả năng xử lý các file từ Adobe dễ dàng).
Hướng dẫn đăng ký:
- truy cập trang đăng ký tại địa chỉ: https://store.serif.com/get/universal-licence-2/trial/
- Nhập địa chỉ email của bạn.
- Tạo tài khoản Affinity miễn phí
- Mở email click vào nút xác thực email đăng ký.
- Đăng nhập vào tài khoản và download full app/phần mềm Affinity V2 Universal License
Chi tiết bạn có thể xem ở video sau:
Download Affinity Designer full crack có nên không?
Affinity Designer/Affinity Photo có khá nhiều chương trình ưu đãi giảm giá, như gói mình đăng ký đầu năm 2021 thì mức phí để sử dụng vĩnh viễn (bao gồm tất cả các bản cập nhật trong tương lại) là khoảng gần 600k (VNĐ). Hiện tại chương trình này đã kết thúc. Tuy nhiên, mình tin rằng nhà cung cấp sẽ có những chương trình ưu đãi giảm giá khác trong tương lai.
Việc download các bản cài đặt Affinity Designer full crack, chẳng hạn như phiên bản 1.10.0.1124 Beta đang được share khá nhiều trên mạng, có thể tiềm ẩn rủi ro với dữ liệu máy tính của bạn. Và chắc chắn rằng sẽ có nhiều lúc bạn sử dụng không ổn định.
Với mức phí trên dưới 1 triệu đồng, bạn sẽ sử dụng Affinity Designer bản quyền, ổn định và vĩnh viễn. Nếu so sánh với Adobe Illustrator thì mức phí trên là cực kỳ hợp lý. Vì thế bạn hãy xem xét đăng ký trực tiếp nhé.
Mỗi phần mềm thiết kế đều có những ưu và nhược điểm nhưng trải nghiệm Affinity Designer chắc chắn sẽ không khiến bạn thất vọng.
L.Chi
✅ Xem thêm:
- Affinity Photo và Affinity Designer là gì? Phần mềm thay thế Photoshop
- Adobe Firefly AI là gì?
- [Review] Cách truy cập vào StuDocu
- LeetCode là gì? Có phải là công cụ hỗ trợ phỏng vấn IT không?
- Tài khoản Scribd premium miễn phí 2024 (cách đăng ký free)
- Cách tạo tài khoản Udemy free, có hàng nghìn khóa học